Thành tựu nghệ thuật Natsume Sōseki

Là người vừa say mê nền văn hóa, văn học cổ điển Nhật Bản, thể thơ haiku vừa thành thạo văn chương Anh, Natsume Sōseki đại diện cho một thế hệ những nhà văn Nhật Bản tinh hoa sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh sự đối đầu văn hóa Đông Tây đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội Nhật Bản. Được hấp thụ cả nền giáo dục Tokugawa cổ xưa và cả văn chương Tây phương hiện đại, những nhà văn của thế hệ này, như Natsume Sōseki, Nagai Kafū (1879-1959), Tanizaki Jun’ichirō (1886-1965), Mori Ōgai (1862-1922), Arishima Ikuma (1882-1974), Kinoshita Mokutarō (1885-1945), Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) v.v. nhờ tài năng sáng chói đã vượt lên trên những hỗn loạn của hoàn cảnh giao thời để sáng tạo được những sản phẩm văn hóa mang âm hưởng của thời đại. Cùng Mori Ōgai và Masaoka Shiki, Natsume Sōseki cũng là nhà văn tiên phong trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa tự nhiên (shizeshugi) Nhật Bản, một khuynh hướng quy tụ những cây bút trẻ địa phương sáng tác theo phong cách thông tục thuần túy (genbun itchi) đang ở giai đoạn suy thoái, bằng nỗ lực sáng tạo những tác phẩm văn chương "chan chứa cảm tình khiến người đọc phải bồi hồi xúc động, lưu luyến khó quên, hoặc nói cách khác, đọc một lần rồi thì lời văn nằm lại mãi trong lòng mọi người" [2] theo phái tâm lý cao sang Dư dụ phái (yoyūha). Di sản sáng tác của Sōseki rất đồ sộ, đa dạng và đặc sắc bao gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn kỳ ảo, thơ haiku và các tiểu luận văn chương: kiệt tác châm biếm, đả kích sự lố lăng của thời đại Tôi là con mèo (Wagahai wa neko de aru, 1905-1906) với hình tượng một con mèo nằm lắng nghe một cách chăm chú các nhà khoa học tranh cãi trong căn phòng của giáo sư Kusami, thực chất là một thảo luận về triết học và nghệ thuật; tiểu thuyết Cậu ấm (Botchan, 1908) kể về một giáo viên trung học vụng về trước sự thay đổi của thời cuộc, là một trong những cuốn sách nhiều độc giả nhất mọi thời đại và hiện nay vẫn còn bán rất chạy. Tác phẩm Cỏ ngu mỹ nhân (Gubujinsō, 1908) gây ấn tượng sâu lắng cho độc giả với phong cách văn chương rất nhẹ nhàng, duyên dáng; và Tam Tứ Lang (Sanshirō, 1908) viết về nhân vật cùng tên, thể hiện chân dung toàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời.

Ở những tiểu thuyết và truyện ngắn về sau, Sōseki nhấn mạnh đặc biệt yếu tố xúc cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Lần lượt nhiều tiểu thuyết tâm lý ra đời với những cuộc tình tay ba là đề tài chủ đạo, như Cánh cửa (Mon, 1910), Người đi đường (Kōjin, 1912-1913), Trái tim (Kokoro, 1914), tiểu thuyết nửa tự truyện Cỏ ven đường (Michikusa, 1915) và tác phẩm còn dang dở Sáng tối (Meian) mà chỉ riêng những phần đã viết cũng được đánh giá là tác phẩm hay nhất của Sōseki và là tiểu thuyết tâm lý Nhật Bản hay nhất từng được viết ra [3]. Những tác phẩm này, với phong cách đi từ trang nhã, hoa mỹ và lộng lẫy nhất tới giản dị và thông tục một cách trong sáng, thể hiện một cách trữ tình tình yêu của lớp trẻ đương thời.

Trên lĩnh vực lý luận văn học, phong cách Natsume Sōseki điển hình cho sự hòa trộn tri thức lý luận Đông Tây bằng việc dùng kiến thức văn học Anh để tạo dựng lý thuyết văn chương cho chính mình và những đồ đệ theo trường phái mà ông khởi xướng. Những tác phẩm lý luận Văn học luận (Bungakuron, 1907), Văn học bình luận (Bungaku hyoron, 1909), tiểu luận Kỷ nguyên ánh sáng của nước Nhật Bản hiện đại (Gendai Nihon no kaida, 1911), Chủ nghĩa cá nhân của tôi (Watashi no kojinshugi, 1915) "tỏ rõ nỗ lực phi thường của ông trong việc đi tìm bản chất của văn học" [4]. Lý luận văn chương của ông thể hiện dưới những phương diện: xem xét quan hệ cuộc sống và những loại hình nghệ thuật, sự nếm trải và đánh giá của nghệ sĩ, các phẩm chất chân-thiện-mỹ trong các hình tượng nghệ thuật, phương thức để sáng tác tiểu thuyết, và tính giáo dục của nghệ thuật. Trong Văn học luận, một cuốn sách được đánh giá là tác phẩm phê bình văn học có tính chất tổng hợp và hệ thống đầu tiên ở Nhật Bản hiện đại, Natsume Sōseki cho rằng văn học có hai yếu tố: tri giác và cảm xúc. Tri giác mà không cảm xúc thì là tri giác trong nhận thức khoa học, cảm xúc mà thiếu tri giác thì đó chỉ là tiền-văn chương. Đây là một nhận định tuyên chiến với lý thuyết của chủ nghĩa tự nhiên vốn chủ trương viết tự thuật bằng phong cách thông tục, hầu như thiếu dấu ấn tư tưởng và tình cảm của các tác giả. Tác phẩm Văn học bình luận của Natsume Sōseki lại thể hiện một nhãn quan đặc biệt với văn học nước ngoài. Thông qua việc phân tích lịch sử văn chương Anh thế kỷ 18 trong tác phẩm này, Sōseki nhấn mạnh sự khách quan và cần thiết phải có những chuẩn mực riêng đối với người Nhật để phán xét, đánh giá văn chương ngoại quốc. Những luận điểm này đã đi trước thời đại và phải rất lâu sau khi Natsume Sōseki mất, trải qua gần trọn thế kỷ 20 với khuynh hướng xã hội học dung tục trong nghiên cứu văn học tại nhiều quốc gia, rất nhiều nhà nghiên cứu mới chứng nghiệm được một điều rằng cần thiết phải hòa mình vào nền văn học mà mình muốn nghiên cứu, tìm hiểu, thay vì phán xét nó từ bên ngoài bằng nhãn quan đạo đức tiếp nhận từ nền văn học, văn hóa của dân tộc mình.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Natsume Sōseki http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a10914894 http://data.rero.ch/02-A000120845 http://www.natsumesoseki.com/ http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://chimviet.free.fr/vannhat/namtran/nnts048.ht... http://katalog.nsk.hr/F/?func=direct&doc_number=00... http://uli.nli.org.il/F/?func=direct&doc_number=00... http://www.aozora.gr.jp/index_pages/person148.html http://www008.upp.so-net.ne.jp/hybiblio/index.html http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p08887933X